Trước những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu, cùng những yêu cầu khắt khe của thị trường… đang đặt ra những khó khăn, thách thức rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Việc đẩy nhanh ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất nông nghiệp không chỉ là giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề trên mà còn là một tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông phẩm, bảo đảm cho kinh tế nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.
Đặt vấn đề
Ứng dụng khoa học – công nghệ (KHCN) hiện đại vào sản xuất nông nghiệp (SXNN) đang là xu hướng chủ đạo, là chìa khóa thành công của các nước có nền nông nghiệp phát triển trên thế giới hiện nay. Ở Việt Nam, kinh tế nông nghiệp đã có sự phát triển tích cực kể từ sau Đổi mới (năm 1986), góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân, ổn định kinh tế – xã hội (KTXH) và tạo nền tảng vững chắc để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) đất nước. Tuy nhiên, trình độ phát triển kinh tế nông nghiệp nước ta còn rất thấp; sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, năng suất, chất lượng chưa cao, giá trị gia tăng thấp. Cùng với đó, SXNN chủ yếu dựa vào các ưu thế về tự nhiên, thâm dụng đất đai và sức lao động nên dễ bị tổn thương trước thiên tai, dịch bệnh và để lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Chìa khóa để giải quyết những tồn tại, hạn chế này là đẩy nhanh ứng dụng thành tựu KHCN vào SXNN.
Nhận thức rõ vấn đề này, những năm qua Đảng, Nhà nước ta đã không ngừng bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách phát triển KHCN, đưa KHCN thực sự là “quốc sách hàng đầu” trong quá trình phát triển KTXH của đất nước. Trong đó, các chủ trương, chính sách đẩy nhanh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các thành tựu KHCN vào SXNN được quan tâm đặc biệt. Tại Đại hội XIII (năm 2021), trong bối cảnh tình hình mới, Đảng ta khẳng định chủ trương: “Phát triển mạnh mẽ khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”1.
Đối với nông nghiệp, Đại hội đã chỉ rõ: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp… phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao. Phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm…”2. Những quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vừa có ý nghĩa định hướng, vừa tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào SXNN ở nước ta.
Một số kết quả đạt được trong ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất nông nghiệp thời gian qua
Thực tiễn đã chứng minh, việc đẩy nhanh nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất đã đóng góp rất lớn đến sự phát triển của ngành Nông nghiệp Việt Nam. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, KHCN và đổi mới sáng tạo đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong SXNN, trong lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, vật nuôi đạt 38%. KHCN đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong giai đoạn 2016 – 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tăng nhanh, đạt 238,81 tỷ USD, trung bình đạt hơn 39,8 tỷ USD/năm, riêng năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD.
Việc ứng dụng KHCN được thực hiện toàn diện, đồng bộ ở tất cả các lĩnh vực, các khâu của quá trình SXNN và đạt được một số kết quả cụ thể như sau:
Một là, ứng dụng KHCN trong chuẩn bị đất, phân bón và ao chuồng chăn nuôi đạt nhiều kết quả tích cực. Đã có nhiều công trình nghiên cứu được ứng dụng vào cải tạo, nâng cao độ phì nhiêu của đất; các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh ứng dụng công nghệ sản xuất mới được sử dụng rất phổ biến đã góp phần cải thiện đáng kể chất lượng đất trồng. Tiêu biểu như nghiên cứu, ứng dụng than sinh học làm từ trấu và vỏ cà phê, sản xuất bằng phương pháp khí hóa nhằm nâng cao chất lượng đất và đánh giá hiệu quả trên các loại cây trồng của Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh (2016). Nghiên cứu, sử dụng chế phẩm vi sinh cải tạo đất của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã được áp dụng vào thực tiễn và sản xuất ở quy mô công nghiệp nhằm cải thiện độ phì nhiêu của đất. Ứng dụng công nghệ nano để sản xuất một số loại phân bón thế hệ mới; sản xuất các chế phẩm ứng dụng làm thuốc bảo vệ thực vật; chế tạo máy phun hiệu năng cao…
Việc áp dụng cơ giới hóa SXNN đã giúp cho nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng chất lượng sản phẩm, góp phần tăng lợi nhuận khoảng 20 – 30% so với không áp dụng cơ giới hóa3. Nhiều công trình nghiên cứu sử dụng vi sinh vật bản địa giúp phân hủy và hồi phục đất bị ô nhiễm các chất độc hại như dioxins, thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng; nghiên cứu phát triển các nhóm vi sinh vật cộng sinh có lợi cho cây trồng trên các vùng đất bị nhiễm mặn, đất phèn… đã được ứng dụng vào thực tiễn. Các nghiên cứu, thiết kế, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (TBKT) hiện đại trong xây dựng ao chuồng cho các loại vật nuôi được thực hiện ngày càng phổ biến; đặc biệt, đã làm chủ công tác nghiên cứu, sản xuất và làm chủ quy trình sử dụng các loại chế phẩm sinh học trong xử lý ao chuồng, nguồn nước và chất thải trong chăn nuôi vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Hai là, các thành tựu KHCN đã được ứng dụng phổ biến trong chọn tạo được nhiều cây, con giống mới có chất lượng cao, khả năng phòng trừ dịch bệnh, thích ứng tốt với các điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Trong giai đoạn (2013 – 2020), đã có 529 giống mới (trong đó 393 giống cây trồng, 12 giống thủy sản; 82 giống cây lâm nghiệp và 42 giống vật nuôi); 101 TBKT và 85 bằng phát minh sáng chế được công nhận và ứng dụng vào thực tiễn4. Nhiều cây, con giống được lai tạo, chọn lựa bằng công nghệ hiện đại, phương pháp, quy trình kỹ thuật mới đã đưa vào sản xuất đại trà trên quy mô lớn, góp phần làm tăng năng suất và chất lượng của nông phẩm Việt Nam.
Các công cụ công nghệ sinh học (sinh học phân tử, kỹ thuật di truyền, nuôi cấy mô, chỉ thị phân tử, lập bản đồ – giải trình tự gen, kết hợp các ngành khoa học “omics”…) được sử dụng phổ biến trong chọn tạo giống mới. Tiêu biểu là giống lúa do các nhà khoa học Việt Nam chọn tạocó với thuộc tính ưu việt như: kháng sâu bệnh, chịu hạn, chịu mặn, chịu phèn, cho năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh đó, các loại giống cây trồng khác, như: ngô, rau, củ, nấm, hoa… đều ứng dụng phổ biến KHCN trong chọn tạo, đem lại nhiều giống mới ưu việt đưa vào sản xuất. Nhiều giống cây công nghiệp, cây lâm nghiệp mới được chọn tạo và đưa vào sản xuất đại trà trên cơ sở ứng dụng các thành tựu KHCN hiện đại, có gần 65% diện tích canh tác chè toàn quốc sử dụng các giống do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu, chọn tạo5 và hàng trăm giống cây lâm nghiệp mới được công nhận, như: keo lai, keo tai tượng, keo lá tràm, keo lá liềm, sa nhân tím, đàn hương, dẻ ván ăn quả…
Với ngành chăn nuôi, đã làm chủ quy trình sản xuất tinh đông lạnh gia súc (trâu, bò, dê, lợn), đồng thời nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất phôi, cấy phôi tươi, phôi đông lạnh ở một số loại gia súc (bò, lợn nái sinh sản) và một số loại gà bản địa. Trong lai tạo, chọn giống thủy sản với các tiêu chí chính là tăng trưởng và tỷ lệ sống cao, giai đoạn 2016 – 2020 có 12 giống mới, 65 TBKT và 20 bằng sáng chế được công nhận và chuyển giao vào sản xuất. Việc ứng dụng KHCN mới đã nâng tỷ lệ sống trong giai đoạn ương nuôi cá tra đạt gần 50%, qua đó, từng bước đáp ứng đủ số lượng, chất lượng con giống, với khả năng tăng trưởng nhanh (tăng trên 20%)… Chất lượng con giống tốt đã góp phần nâng cao sản lượng nuôi trồng thủy sản của cả nước, năm 2019 đạt 4,38 triệu tấn, năm 2020 đạt trên 4,56 triệu tấn, năm 2021 đạt 4,75 triệu tấn, vượt mục tiêu đề ra6.
Ba là, đã ứng dụng phổ biến các thành tựu KHCN trong chăm sóc cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản, góp phần nâng cao năng suất lao động. Việc ứng dụng phổ biến các TBKT, máy móc hiện đại, đẩy nhanh cơ giới hóa vừa góp phần giải phóng sức lao động của người nông dân, vừa bảo đảm tính thời vụ, tăng năng suất và giảm tổn thất sau thu hoạch. Số lượng máy móc được sử dụng trong nông nghiệp tăng nhanh, tính đến năm 2019 so với năm 2011 số lượng máy kéo tăng 48%, máy gặt đập liên hợp tăng 79%, máy sấy nông sản tăng 29%; máy chế biến thức ăn gia súc tăng 90,6%; máy chế biến thức ăn thủy sản tăng 2,2 lần; máy phun thuốc trừ sâu tăng 3,1 lần7…
Các kỹ thuật canh tác mới trong sản xuất lúa được người nông dân áp dụng rất nhanh, bên cạnh đó, các quy trình kỹ thuật, giải pháp phòng, chống sinh vật gây hại cũng được áp dụng phổ biến. Trong đó, các giải pháp không gây tác hại tới môi trường, bằng việc sử dụng nấm xanh, nấm trắng, nấm Tricoderma, vi khuẩn Bacillus… được ưu tiên. Các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, ứng dụng TBKT mới được triển khai, nhân rộng đến nông dân, như chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và mô hình “công nghệ sinh thái”, chương trình gieo sạ né rầy… Đã xây dựng và áp dụng có hiệu quả các quy trình thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP đối với nhiều loại cây trồng đã góp phần giảm chi phí sản xuất, phát thải khí nhà kính, sản xuất sản phẩm an toàn so với canh tác truyền thống. Cùng với đó là việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác bảo vệ thực vật, như: phần mềm quản lý sinh vật gây hại trong toàn quốc; ứng dụng công nghệ trạm khí tượng tự động dự báo thời tiết và dự báo sinh vật gây hại; ứng dụng bẫy đèn kết nối camera giám sát; thiết bị phun thuốc điều khiển từ xa…
Các mô hình SXNN ứng dụng công nghệ cao cũng ngày càng phát triển, đến nay, cả nước có 49 doanh nghiệp (DN) nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều DN có trình độ tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới, như: TH Group (sữa), Dabaco (chăn nuôi), Nafoods (trồng, chế biến trái cây), Nam miền Trung (tôm), Vingroup (rau), Ba Huân, Lộc Trời… Trong hoạt động sản xuất, các DN này ứng dụng phổ biến các máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại, tự động hóa trong chăm sóc, theo dõi sức khỏe, kiểm soát mọi hoạt động của cây trồng, vật nuôi. Việc vệ sinh chuồng trại chăn nuôi cũng áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất, xử lý tự động hoặc sử dụng đệm lót sinh học bảo vệ môi trường… Ngoài ra, các thiết bị, quy trình công nghệ hiện đại đã được ứng dụng trong nghiên cứu, sản xuất và tiêm vắc xin phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi, qua đó, nâng cao năng suất và chất lượng thương phẩm, đồng thời, giảm thiểu chi phí và công sức lao động của bà con nông dân.
Bốn là, ứng dụng KHCN trong trong thu hoạch, bảo quản nông phẩm đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần hạn chế tổn thất, nâng cao giá trị hàng hóa. Hiện nay, nhiều TBKT, máy móc hiện đại, dây truyền công nghệ tiên tiến đã được sử dụng phổ biến trong thu hoạch và bảo quản nông sản, đặc biệt là ở các vùng SXNN quy mô lớn, tập trung, các DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong khâu thu hoạch lúa, vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện có mức độ cơ giới hóa đạt trên 82%, vùng Đông Nam Bộ đạt khoảng 70% và khu vực phía trung du miền núi phía Bắc đạt 25%. Tỷ lệ cơ giới hóa trong thu hoạch một số loại nông sản khác trên phạm vi cả nước cũng tăng nhanh: mía khoảng 20%; đốn, hái chè đạt 25%; sấy chủ động 55%8. Các quy trình công nghệ tiên tiến, các chế phẩm sinh học ưu việt, an toàn ngày cảng được sử dụng phổ biến trong bảo quản nông phẩm, như: công nghệ CAS (cells alive system), bảo quản thực phẩm đông lạnh của Nhật Bản; quy trình công nghệ bảo quản rau quả tươi bằng phương pháp khí quyển điều chỉnh CA (controlled atmosphere); bảo quản trái cây bằng màng MA (modified atmosphere); bảo quản bằng chế phẩm tạo màng; bảo quản quả trên cây bằng chế phẩm retaine (AVG)…
Trong khâu giết mổ, bảo quản sản phẩm từ chăn nuôi, nhiều tiến bộ KHCN mới đã được sử dụng, vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa thể hiện tính nhân văn, nhân đạo với vật nuôi, tiêu biểu, như ở Công ty Cổ phần Masan Nutri-Science (MNS), Công ty Marel của Hà Lan, Công tyP&T… Bên cạnh đó, các quy trình công nghệ hiện đại, các phương pháp bảo quản nông phẩm cũng được sử dụng ở các quy mô và mục đích khác nhau, như: công nghệ đông lạnh CAS (Cells Alive Sytem) được tập đoàn ABI, Nhật Bản chuyển giao; công nghệ plasma lạnh; công nghệ làm mát, đông lạnh; phương pháp đóng gói cải tiến MAP (Modified Atmosphere Packaging) và phương pháp bao gói chân không…
Về tồn tại và hạn chế trong ứng dụng khoa học – công nghệ
Thứ nhất, quy mô ứng dụng KHCN còn nhỏ bé, số lượng sản phẩm KHCN ứng dụng vào SXNN còn khiêm tốn, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển nông nghiệp nước nhà.
Cơ bản việc chuyển giao, ứng dụng các thành tựu KHCN vào SXNN ở Việt Nam thời gian qua vẫn còn ở quy mô nhỏ, chủ yếu là quy mô hộ gia đình và các trang trại sử dụng ít lao động. Số doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng KHCN hiện đại vào sản xuất, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn rất ít, tính đến tháng 6/2021, mới có 49 DN được cấp giấy chứng nhận còn hiệu lực; có 12 vùng và 11 khu nông, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ được Chính phủ và các địa phương công nhận9. Đây là rào cản không nhỏ trong phát triển nền nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn trên cơ sở ứng dụng KHCN hiện đại. Do vậy, sản phẩm làm ra còn ít về số lượng và thiếu đồng nhất về chất lượng nên khả năng cạnh tranh thấp, khó tiếp cận với thị trường khó tính. Thậm chí, ngay cả với những đơn vị, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở một số địa phương thì quy mô của hoạt động nghiên cứu, ứng dụng vẫn còn khiêm tốn, chưa đủ lớn mạnh để làm đầu tàu thúc đẩy phát triển hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KHCN rộng rãi vào SXNN ở các địa bàn lân cận trong mỗi vùng.
Ở khía cạnh khác, tuy số lượng sản phẩm KHCN phục vụ nông nghiệp được nghiên cứu đã được tăng lên (giai đoạn 2011 – 2020), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận 529 giống mới, 273 tiến bộ kỹ thuật, 185 sáng chế, 440 quy trình kỹ thuật…)10, song số lượng thực tế được chuyển giao, ứng dụng vào SXNN một cách phổ biến, rộng rãi còn ít. Đặc biệt, trong khâu cơ giới hóa, bảo quản nông phẩm. Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, trong giai đoạn 2016 – 2020 chỉ có 8 dự án cơ giới hóa, bảo quản chế biến nông phẩm được triển khai ở cấp bộ, gồm: 6 dự án mạ khay, máy cấy, máy sạ khóm; 1 dự án tưới tiết kiệm nước cho cây hồ tiêu và 1 dự án bảo quản, chế biến dược liệu11. Đây là một con số quá khiêm tốn đối với một quốc gia có tham vọng phấn đấu trở thành cường quốc về nông nghiệp.
Số lượng các công trình nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn phục vụ nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; chưa phổ biến rộng rãi trong các địa phương trên phạm vi cả nước. Hạn chế này dẫn đến năng suất lao động ngành Nông nghiệp rất thấp. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, bình quân năng suất lao động trong nông nghiệp giai đoạn 2015-2020 chỉ đạt khoảng 47,39 triệu đồng/lao động/năm. So với năng suất lao động chung của cả nước, theo giá thực tế trong cùng giai đoạn trên của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đều thấp hơn mức tổng thể chung, bình quân luôn ở dưới mức 50% so với tổng thể12.
Thứ hai, trình độ KHCN ứng dụng vào SXNN còn thấp.
Theo kết quả nghiên cứu, tổng hợp từ nhiều công trình khác nhau và Báo cáo Tổng kết chiến lược phát triển KHCN ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2013-2020 cho thấy, trình độ KHCN, nhất là máy móc, thiết bị được ứng dụng vào SXNN ở nước ta còn lạc hậu và thiếu đồng bộ; tính trung bình thường lạc hậu từ 2-3 thế hệ (tương đương 20-30 năm). Thậm chí có nơi trình độ công nghệ trong nông nghiệp lạc hậu từ 4 – 5 thế hệ (khoảng từ 50-70 năm so với các nước có nền nông nghiệp phát triển. Được thể hiện trên một số lĩnh vực SXNN, như:
(1) Trong lĩnh vực cơ giới hóa, chủ yếu mới chỉ tập trung vào khâu làm đất (đạt khoảng 93%) và cũng chủ yếu tập trung vào cây lúa. Các khâu khác và các cây trồng khác mức độ cơ giới hóa còn rất thấp. Tuy nhiên, hầu hết trình độ máy móc, trang bị làm đất có công suất nhỏ, chỉ thích hợp với quy mô hộ và ruộng đất manh mún.
(2) Trong khâu thu hoạch, bảo quản nông phẩm, phần lớn trình độ máy móc, thiết bị công nghệ đã lạc hậu từ 20- 30 năm so với thế giới. Trong khi đó, hệ số đổi mới thiết bị hàng năm còn thấp chỉ ở mức 7%/năm (bằng 1/2 đến 1/3 mức tối thiểu của các nước khác). Vì vậy, hầu hết nông sản được xuất khẩu dưới dạng thô hoặc mới qua sơ chế; công nghệ bảo quản các mặt hàng thịt, cá, rau, quả tươi còn lạc hậu, quy mô nhỏ, chi phí cao, thời gian ngắn nên khó tiếp cận hoặc không thể cạnh tranh được với nông sản của nước ngoài trên các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… Đây cũng là một trong những điểm hạn chế lớn của việc ứng dụng KHCN vào SXNN ở Việt Nam trong thời gian qua. Bên cạnh đó, việc ứng dụng KHCN trong nhiều lĩnh vực khác, như: thủy nông, điện khí hóa, hóa học hóa, tin học hóa… phục vụ SXNN nhìn chung còn ở trình độ thấp và thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp. Công nghệ thông tin, số hóa mới chỉ được áp dụng trong các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, các hợp tác xã, mô hình điểm là chủ yếu. Đa số nông dân vẫn chưa tiếp cận được với cách làm nông nghiệp hiện đại theo hướng bền vững.
Thứ ba, quá trình ứng dụng KHCN vào SXNN chưa mang lại hiệu quả KTXH cao và thiếu tính bền vững.
Nhiều sản phẩm KHCN, quy trình kỹ thuật được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất chưa đem lại kết quả như kỳ vọng; chưa giải quyết đồng thời được các yêu cầu về tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và an toàn vệ sinh thực phẩm. Chưa có những công trình nghiên cứu liên ngành mang tính tổng thể cả về kinh tế – xã hội và môi trường nhằm tìm ra một hệ giải pháp mang tính đồng bộ và toàn diện để giúp cho các địa phương trong trả nước thoát khỏi tình trạng manh mún, lạc hậu trong SXNN hiện nay. Mức độ đóng góp của KHCN và đổi mới sáng tạo chưa trở thành yếu tố chủ lực nâng cao giá trị gia tăng trong SXNN nước ta, mới chỉ đạt khoảng 30%.
Hoạt động chuyển giao, ứng dụng KHCN vào sản xuất chưa thực sự trở thành nhân tố cơ bản trong phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững. Hoạt động khai thác các nguồn lực của tự nhiên cho SXNN còn mang nặng tính tự phát; sử dụng công nghệ lạc hậu và lạm dụng phân hóa học cũng như các loại thuốc bảo vệ thực vật gây tác động xấu đến môi trường, làm tăng mức độ ô nhiễm và suy yếu nguồn tài nguyên trong nông nghiệp, nhất là hệ sinh thái. Ứng dụng KHCN vào sản xuất vẫn chưa đạt được an toàn về dinh dưỡng và an ninh lương thực… Hầu hết các mô hình ứng dụng KHCN vào lĩnh vực môi trường ở các địa phương mới chỉ tập trung giải quyết bề ngoài mà chưa tìm ra các giải pháp công nghệ tổng thể để giải quyết tận gốc rễ của vấn đề ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn…
Đề xuất những giải pháp, chính sách cơ bản nhằm đẩy nhanh ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp những năm tiếp theo
Một là, cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KHCN vào SXNN.
Đây là giải pháp rất quan trọng vừa tạo hành lang pháp lý, vừa tháo gỡ những nút thắt để khơi thông và huy động có hiệu quả các các nguồn lực, các lực lượng tham gia vào hoạt động này. Theo đó, cần đổi mới toàn diện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KHCN vào SXNN trên phạm vi cả nước và từng địa phương theo các nguyên tắc của thị trường; xây dựng cơ chế tài chính phù hợp, hỗ trợ cho hoạt động ứng dụng KHCN vào SXNN của địa phương; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai nhằm tạo điều kiện thuận lợi để triển khai công tác ứng dụng KHCN vào SXNN; bổ sung và hoàn thiện chính sách đầu tư nhằm khuyến khích, hỗ trợ các DN, chủ trang trại, hộ nông dân đẩy mạnh quá trình đổi mới, ứng dụng KHCN vào SXNN.
Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp.
Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, bởi người lao động trong nông nghiệp là lực lượng trực tiếp lựa chọn, tiếp nhận các thành tựu KHCN đưa vào sản xuất, họ cũng là người biết huy động, khai thác các nguồn lực cho sản xuất một cách hiệu quả nhất. Mặt khác, người lao động cũng chính là lực lượng thường xuyên đưa ra những phát minh, sáng kiến cải tiến những thiết bị, quy trình công nghệ phù hợp với thực tiễn SXNN. Do vậy, cần tiếp tục đa dạng hóa, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ tri thức, kỹ năng và đổi mới tuy duy cho người lao động trong nông nghiệp. Thực hiện tốt nội dung, biện pháp này sẽ có ý nghĩa quyết định đến việc đẩy nhanh tiến trình ứng dụng KHCN vào SXNN trên phạm vi cả nước, cũng như ở từng địa phương.
Ba là, cần phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong ứng dụng KHCN vào SXNN.
Thực hiện tốt giải pháp này không chỉ đẩy nhanh mà còn quyết định tính hiệu quả của quá trình ứng dụng KHCN vào SXNN ở nước ta hiện nay. Trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành trung ương và địa phương về hoạt động KHCN, từng địa phương cần cụ thể hóa và triển khai thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Theo đó, cần phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm quản lý của hệ thống chính quyền các cấp, đặc biệt cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành chuyên môn và đội ngũ cán bộ chuyên trách trong quản lý, hướng dẫn, kiểm tra việc ứng dụng KHCN vào SXNN từng địa bàn, các địa phương được phân công.
Bốn là, tiếp tục nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm các nước để lựa chọn các mô hình SXNN phù hợp; đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đồng bộ, hiện đại tạo nền tảng đẩy nhanh quá trình ứng dụng KHCN vào SXNN ở từng địa phương.
Cần chuyển đổi nhanh mô hình sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa lớn, tạo ra động lực bên trong thúc đẩy ứng dụng tiến bộ KHCN hiện đại vào SXNN. Ưu tiên phát triển mạnh các DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm đầu tàu thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN mới vào SXNN. Cùng với đó, tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, hệ thống điện lực và thông tin.
Năm là, đẩy mạnh phát triển thị trường và hợp tác về KHCN phục vụ trong nông nghiệp.
Thực hiện tốt giải pháp này vừa tạo ra nguồn cung phong phú, tăng cơ hội cho các chủ thể trong nước lựa chọn được những các sản phẩm KHCN tiên tiến, hiện đại, phù hợp. Mặt khác, việc đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KHCN với các nước có nền nông nghiệp phát triển còn là giải pháp quan trọng để Việt Nam rút ngắn thời gian, nâng cao năng lực nghiên cứu và làm chủ KHCN phục vụ SXNN một cách nhanh nhất.
Thứ sáu, đẩy mạnh SXNN theo chuỗi liên kết bền vững nhằm mở ra các cơ hội ứng dụng KHCN vào SXNN ở nước ta.
Đây là giải pháp có vị trí, vai trò rất quan trọng, không chỉ góp phần đẩy nhanh quá trình ứng dụng KHCN vào SXNN một cách toàn diện, đồng bộ mà còn tạo nền tảng để kinh tế nông nghiệp nước ta phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.
Kết luận
Để sớm hiện thực hóa mục tiêu CNH HĐH nông nghiệp, nông thôn; phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô hớn theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh, đem lại giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững; phấn đấu đến năm năm 2030, nông nghiệp Việt Nam sẽ đứng trong top 15 nước phát triển trên thế giới theo mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định thì tất yếu phải đẩy nhanh ứng dụng KHCN vào sản xuất.
Đảng, nhà nước, các bộ ngành và từng địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển hoạt động KHCN phục vụ nông nghiệp. Công tác chuyển giao, ứng dụng KHCN vào SXNN đã đạt nhiều kết quả tích cực, KHCN đã có đóng góp to lớn đối với sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị giá trị nông phẩm Việt Nam… Tuy nhiên, hoạt động chuyển giao, ứng dụng KHCN vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, làm chậm tiến trình phát triển kinh tế nông nghiệp nước nhà theo những mục tiêu đã xác định. Do đó, để khắc phục những tồn tại, hạn chế này, cần phải có hệ thống các giải pháp cơ bản, đồng bộ, toàn diện; huy động sự tham gia của nhiều lực lượng cả ở trung ương và địa phương; kiên trì thực hiện trong thời gian dài, với quyết tâm cao, trong đó những giải pháp nêu trên có tính chất gợi mở, khái quát cao, cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung, cụ thể hóa và vận dụng linh hoạt trong quá trình thực hiện.