Giá trị sản xuất công nghiệp là gì? Thành phần giá trị sản xuất công nghiệp? Đặc điểm của giá trị sản xuất công nghiệp? Cách tính giá trị sản xuất công nghiệp?
Giá trị sản xuất công nghiệp là chỉ tiêu tính bằng giá trị trong hệ thống các chỉ tiêu thống kê kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp cũng được đặt bên cạnh giá trị sản xuất thương mại, giá trị sản xuất xây dựng như trong các bài viết khác mà Autorobot đã cung cấp. Để giúp người đọc hiểu hơn về giá trị sản xuất công nghiệp, trong bài viết dưới đây, tác giả sẽ có những giải thích, phân tích cụ thể hơn về nội dung này.
1. Giá trị sản xuất công nghiệp là gì?
Công nghiệp là một ngành sản xuất vật chất, gồm hệ thống các ngành sản xuất chuyên môn hoá hẹp, mỗi ngành đó lại bao gồm nhiều đơn vị thuộc nhiều loại hình khác nhau. Đặc trưng kỹ thuật trong sản xuất công nghiệp, gồm có: Đặc trưng về công nghệ sản xuất; Đặc trưng về sự thay đổi của các đối tượng lao động; Đặc trưng về công dụng của sản phẩm.
Giá trị sản xuất công nghiệp là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị của sản phẩm vật chất và dịch vụ công nghiệp sản xuất ra trong một thời kỳ nhất định. Giá trị sản xuất công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế mỗi địa phương cũng như của đất nước và là chỉ tiêu quan trọng đánh giá quá trình công nghiệp hóa đất nước.
Giá trị sản xuất công nghiệp là toàn bộ giá trị sản phẩm vật chất và sản phẩm dịch vụ của các nhóm ngành công nghiệp (khai khoáng; chế biến; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thài) thực hiện trong một thời kỳ nhất định.
Nghiên cứu lý luận về giá trị sản xuất công nghiệp cần chú ý đến nội dung về giá cả trong tính toán giá trị sản xuất, theo đó:
– Giá cơ bản là số tiền người sản xuất nhận được do bán hàng hóa hay dịch vụ sản xuất ra, trừ đi thuế tính vào sản phẩm, cộng với trợ cấp sản phẩm. Giá cơ bản không bao gồm phí vận tải và phí thương nghiệp không do người sản xuất trả khi bán hàng.
– Giá sản xuất là số tiền người sản xuất nhận được do bán hàng hóa hay dịch vụ sản xuất trừ đi thuế VAT được khấu trừ hay thuế được khấu trừ tương tự. Giá sản xuất không bao gồm phí vận tải và phí thương nghiệp không do người sản xuất trả khi bán hàng.
– Gia sử dụng cuối cùng là số tiền người mua phải trả để nhận hàng hóa và dịch vụ tại thời gian và địa điểm do người mua yêu cầu. Giá sử dụng cuối cùng không bao gồm thuế VAT được khấu trừ hay thuế tương tự. Giá sử dụng cuối cùng bao gồm các phí vận tải do người mua trả.
Mối liên hệ giữa ba loại giá được mô tả qua việc tính giá trị sản xuất của một doanh nghiệp sản xuất một loại sản phẩm, ở một tỉnh như sau:
+ Giá trị sản xuất theo giá cơ bản= doanh thu tiêu thụ hàng hóa hoặc dịch vụ- phí vận tải và phí thương nghiệp không do doanh nghiệp trả khi bán+ trợ cấp sản phẩm.
+ Giá trị sản xuất theo giá sản xuất= Giá trị sản xuất theo giá cơ bản+ thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế sản phẩm khác (không bao gồm thuế VAT được khấu trừ hay thuế được khấu trừ tương tự do người mua phải trả – trợ cấp sản phẩm.
+ Giá trị sản xuất theo giá sử dụng cuối cùng= Giá trị theo giá sản xuất + Thuế VAT không được khấu trừ hay thuế tương tự không được khấu trừ + Phí vận tải hay phí thương nghiệp do doanh nghiệp khác cung cấp.
Giá thực tế phản ánh giá trị trên thị trường hàng hóa và dịch vụ, tài sản chu chuyển từ quá trình sản xuất, lưu thông phân phối tới sử dụng cuối cùng đồng thời với vận động của tiền tệ tài chính. Giá thực tế là giá dùng trong giao dịch năm báo cáo.
Giá so sánh là giá thực tế của năm được chọn làm gốc để nghiên cứu thay đổi của yếu tố giá.
2. Thành phần giá trị sản xuất công nghiệp:
Giá trị sản xuất công nghiệp bao gồm:
(i) Giá trị nguyên vật liệu, năng lượng, phụ tùng thay thế;
(ii) Chi phí dịch vụ sản xuất và khẩu hao tài sản cố định;
(iii) Chi phí tiền lương, tiền công cho lao động;
Xem thêm: Thuyết ngành công nghiệp non trẻ là gì? Nội dung và đặc điểm
(iv) Thuế sản xuất và giá trị thặng dư tạo ra trong cấu thành giá trị sản phẩm. Giá trị sản xuất công nghiệp được tính theo hai loại giá (giá thực tế và giá so sánh).
3. Đặc điểm của giá trị sản xuất công nghiệp:
– Giá trị sản xuất công nghiệp là chỉ tiêu chất lượng, phản ánh kết quả của hoạt động sản xuất công nghiệp của một doanh nghiệp, một địa phương và của một quốc gia, một khu vực nhiều quốc gia, một châu lục.
– Giá trị sản xuất công nghiệp phụ thuộc vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất công nghiệp trong nền kinh tế, đó là khối lượng sản phẩm công nghiệp được sản xuất ra trong một thời kỳ nhất định.
– Giá trị sản xuất công nghiệp phụ thuộc vào số lượng doanh nghiệp có hoạt động sản xuất công nghiệp, bất kể doanh nghiệp đó có ngành hoạt động chính là công nghiệp hay không.
4. Cách tính giá trị sản xuất công nghiệp:
Chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp được tính theo giá cố định và được xác định theo 2 phương pháp:
– Phương pháp 1:
GO = YT1 +YT2 + YT3 + YT4 + YT5
Trong đó:
Xem thêm: Phân tích vòng đời ngành công nghiệp là gì? Các giai đoạn và ví dụ?
– Yếu tố 1: Giá trị thành phẩm, bao gồm:
+ Giá trị thành phẩm là những sản phẩm được sản xuất từ nguyên vật liệu của doanh nghiệp và của khách hàng đem đến để gia công. Những sản phẩm này phải hoàn thành tất cả các giai đoạn sản xuất trong doanh nghiệp, đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng quy định đã được nhập kho thành phẩm hay bán ra ngoài.
+ Giá trị bán thành phẩm, vật bao bì đóng gói, công cụ, dụng cụ, phụ tùng thay thế không tiếp tục chế biến tại doanh nghiệp được bán ra ngoài hay cung cấp cho những bộ phận không sản xuất công nghiệp.
+ Giá trị sản phẩm phụ hoàn thành trong kỳ.
Ngoài ra đối với một số ngành công nghiệp đặc thù, không có thủ tục nhập kho như sản xuất điện, nước sạch, hơi nước, nước đá . . . thì tính theo sản lượng thương phẩm (hoặc sản lượng thực tế đã tiêu thụ).
– Yếu tố 2: Giá trị công việc có tính chất công nghiệp làm cho bên ngoài (hay còn gọi giá trị hoạt động dịch vụ công nghiệp).
Công việc có tính chất công nghiệp là một hình thái của sản phẩm công nghiệp, nhằm khôi phục hoặc làm tăng thêm giá trị sử dụng, không làm thay đổi giá trị ban đầu của sản phẩm.
Một nguyên tắc quan trọng cần chú ý là giá trị công việc có tính chất công nghiệp được tính vào giá trị sản xuất của doanh nghiệp phải là giá trị công việc có tính chất công nghiệp làm cho các đơn vị bên ngoài, hoặc các bộ phận khác không phải là hoạt động sản xuất công nghiệp trong doanh nghiệp.
– Yếu tố 3: Giá trị phụ phẩm, thứ phẩm, phế phẩm, phế liệu thu hồi trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp, bao gồm:
+ Phụ phẩm là sản phẩm được tạo ra cùng với sản phẩm chính trong quá trình sản xuất công nghiệp. Ví dụ như sản xuất đường thì sản phẩm chính là đường, phụ phẩm là rỉ đường (nước mật).
+Thứ phẩm là những sản phẩm không đủ tiêu chuẩn chất lượng, không được nhập kho thành phẩm.
+ Phế phẩm là sản phẩm sản xuất ra hỏng hoàn toàn không thể sửa chữa được.
+ Phế liệu thu hồi trong quá trình sản xuất.
Các loại sản phẩm thuộc yếu tố 3 không phải là mục đích trực tiếp của sản xuất mà chỉ là sản phẩm thu hồi do quá trình sản xuất tạo ra. Bởi vậy, quy định chỉ được tính vào yếu tố 3 phần đã tiêu thụ và thu tiền.
– Yếu tố 4: Giá trị hoạt động cho thuê tài sản cố định, máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp.
Yếu tố này chỉ phát sinh khi máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp không sử dụng mà cho bên ngoài thuê, (không phân biệt có công nhân hay không có công nhân vận hành đi theo). Yếu tố này thường không có giá cố định, nên thống kê dựa vào doanh thu thực tế thu được của hoạt động này trong kỳ để tính vào yếu tố 4.
– Yếu tố 5: Giá trị chênh lệch cuối kỳ so với đầu kỳ của bán thành phẩm, sản phẩm dở dang.
Trong thực tế sản xuất yếu tố 5 ở phần lớn các ngành công nghiệp, chiếm tỷ trọng không đáng kể, trong chỉ tiêu giá trị sản xuất. Trong khi việc tính toán yếu tố này lại phức tạp, bởi vậy thống kê quy định yếu tố 5 chỉ tính đối với ngành cơ khí, chế tạo máy có chu kỳ sản xuất dài.
Khi tính giá trị sản xuất công nghiệp cần chú ý tới các nguyên tắc sau:
– Tính theo phương pháp công xưởng, nghĩa là lấy đơn vị hạch toán độc lập cuối cùng làm đơn vị để tính toán.
– Chỉ được tính kết quả trực tiếp của hoạt động sản xuất công nghiệp trong đơn vị hạch toán độc lập. Nghĩa là chỉ tính kết quả do chính hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tạo ra và chỉ tính 1 lần, không được tính trùng trong phạm vi doanh nghiệp và không tính những sản phẩm mua vào rồi bán ra không qua chế biến gì thêm tại doanh nghiệp.
Nói tóm lại, giá trị sản xuất công nghiệp có vai trò quan trọng và việc tính toán chính xác là điều cần thiết và bắt buộc phải thực hiện.