Để mỗi nhà máy có thể cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm, việc chú trọng và đầu tư các dây chuyền sản xuất hiện đại là điều quan trọng mà doanh nghiệp không thể bỏ qua.
Dây chuyền sản xuất là gì?
Theo Wikipedia: Dây chuyền sản xuất là một tập hợp các hoạt động tuần tự được thiết lập tại một nhà máy mà vật liệu được đưa vào quá trình tinh chế để tạo ra một sản phẩm tiêu dùng cuối cùng; hoặc các bộ phận được lắp ráp để chế tạo thành phẩm.
Dây chuyền sản xuất hoạt động với tốc độ nhanh chóng, ổn định và chính xác sẽ rút ngắn thời gian sản xuất và giảm giá thành của sản phẩm. Các sản phẩm được sản xuất ra cũng sẽ đồng nhất về chất lượng, tính thẩm mỹ, hạn chế tối đa các sản phẩm bị lỗi so với khi áp dụng hình thức sản xuất thủ công. Bên cạnh đó, việc chú trọng đầu tư, cải tiến dây chuyền phục vụ vào hoạt động sản xuất cũng góp phần giảm đáng kể chi phí nhân công, tối thiểu hóa sai số, đảm bảo sản phẩm hoạt động ổn định và chất lượng.
Ngày nay chúng được xem là mắt xích quan trọng trong ngành công nghiệp hiện đại hóa trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo thành phẩm. Ví dụ như chế tạo máy móc, gia công kim loại, chế biến thực phẩm, chế biến thức ăn trong chăn nuôi,… Giúp tối ưu trong hoạt động sản xuất, cải thiện được năng suất, giảm thời gian và chi phí không cần thiết trong sản xuất.
Các yếu tố cần thiết để vận hành dây chuyền sản xuất?
Người lao động và thiết bị máy móc sẽ là 2 yếu tố chính và cần thiết để vận hành dây chuyền sản xuất.
Người lao động: Người lao động sẽ là người trực tiếp tham gia vào các khâu sản xuất ra sản phẩm. Các khâu quan trọng cần đến kinh nghiệm làm việc của người lao động hơn là máy móc, thiết bị hiện đại.
Thiết bị máy móc: Đứng sau người lao động chính là các loại thiết bị máy móc, công nghệ hiện đại. Đây là yếu tố quan trọng quyết định phần lớn đến sự thành công của quá trình sản xuất công nghiệp. Các thiết bị máy móc sản xuất sản phẩm cần được kiểm tra và bảo dưỡng thường xuyên để đảm bảo chất lượng vệ sinh và khả năng hoạt động tốt nhất.
Các loại dây chuyền sản xuất hiện nay
Tại mỗi doanh nghiệp riêng biệt sẽ có những loại dây chuyền khác nhau nhằm phù hợp với nhu cầu sản xuất của từng đơn vị. Một số dây chuyền sản xuất có thể kể đến như:
Dây chuyền sản xuất nguyên liệu thô :
- Sản xuất tôn
- Sản xuất gạch
- Sản xuất ống nhựa
- Sản xuất tạo hạt nhựa
- Sản xuất xi măng
- Sản xuất inox
v..v..v
Dây chuyền sản xuất thực phẩm:
- Sản xuất sữa
- Sản xuất xúc xích, thịt, cá hộp
- Sản xuất bánh kẹo, sữa, nước ngọt
- Sản xuất rượu, bia
- sản xuất nước mắm, dầu ăn
Dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng:
- Sản xuất gang thép
- Sản xuất sơn
- Sản xuất bê tông tươi
Dây chuyền sản xuất bao bì
Hiện nay trên thị trường có nhiều loại bao bì khác nhau như: bao bì tải dứa, bao bì PP, bao bì giấy, thùng carton… Trong đó bao bì PP là loại được sử dụng nhiều và phổ biến nhất.
Dây chuyền sản xuất may mặc
- Sản xuất quần áo, giày dép
- Sản xuất thảm
- Sản xuất vải bạt
- Sản xuất mũ
Dây chuyền sản xuất thiết bị y tế
- Sản xuất găng tay y tế
- Sản xuất khẩu trang y tế
- Sản xuất thiết bị, dụng cụ y tế
Vai trò của dây chuyền sản xuất với ngành công nghiệp
- Cải thiện năng suất sản xuất: Trong dây chuyền sản xuất, mỗi vị trí sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ chuyên môn hóa, điều này giúp loại bỏ những thao tác dư thừa. Từ đó, nhà máy có thể kiểm soát lực lượng lao động, nâng cao chất lượng nhân công.
- Nâng cao chất lượng sản phẩm: Sự chuyên môn hóa giúp giảm sai sót trong quá trình thao tác. Bên cạnh đó, mỗi giai đoạn sản xuất có sự hỗ trợ kiểm tra chất lượng sản phẩm của các thiết bị gắn trên dây chuyền. Chất lượng sản phẩm từ đó tăng lên, đồng đều hơn và giảm tỷ lệ phế phẩm.
- Tiết kiệm chi phí: Giống như việc áp dụng phương pháp quản lý Kaizen, loại bỏ những lãng phí trong chuỗi hoạt động sản xuất như lãng phí thời gian, thao tác, sai sót … sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm các chi phí sản xuất và tối ưu lợi nhuận đem lại.
Hệ thống giám sát dây chuyền sản xuất – Giải pháp cho nhà máy thông minh
Hệ thống giám sát dây chuyền sản xuất gồm những gì?
Trong các nhà máy, hệ thống giám sát dây chuyền sản xuất chịu trách nhiệm cung cấp chính xác toàn bộ tình trạng vận hành của các máy móc, trang thiết bị đang hoạt động trong hệ thống. Từ những số liệu đó, người dùng có thể nắm bắt và điều chỉnh được năng suất công việc của từng đơn nguyên máy móc để đảm bảo năng suất hoạt động chung của cả dây chuyền. Bên cạnh đó, hệ thống giám sát kể trên cũng hỗ trợ lưu trữ thông tin số liệu về sản xuất cũng như số lượng thành phẩm của nhà máy. Những thông tin này khi cần dễ dàng được trích xuất dưới dạng báo cáo, hình ảnh hoặc video để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.
Để hệ thống giám sát sản xuất có thể đảm bảo các nghiệp vụ trên, cần bao gồm các phần sau đây:
- Phần cứng: Máy móc sản xuất, các máy tính nhúng, máy chủ và bộ lưu trữ;
- Phần mềm: Các chương trình tính toán, giám sát trên các máy chủ và máy tính nhúng; phần mềm quản lý như MES.
- Phần kết nối: Các hệ thống dây tín hiệu, mạng Internet, mạng nội bộ…
Theo đó, các thiết bị phần cứng được gắn trực tiếp trên thiết bị công nghiệp đóng vai trò điều khiển hoạt động của các máy móc trên mỗi dây chuyền sản xuất. Các thông tin trong quá trình sản xuất sẽ được các máy tính nhúng, bộ lưu trữ… thu thập và báo về hệ thống máy chủ thông qua các cổng kết nối. Từ đó, máy chủ sẽ dễ dàng kiểm soát được tình trạng vận hành của máy móc trong công xưởng.
Từ việc nắm rõ thông số các máy sản xuất, người giám sát có thể điều chỉnh các hoạt động trong nhà máy nhằm gia tăng năng suất sản xuất như đưa thêm vào các thiết bị bổ trợ như camera giám sát hay các thiết bị cảm ứng nhiệt độ, độ ẩm môi trường nhà xưởng.
Vai trò của phần mềm MES trong giám sát dây chuyền sản xuất và kiến tạo nhà máy thông minh
MES (Manufacturing Execution System) là hệ thống phần mềm có nhiệm vụ kết nối, giám sát và kiểm soát các hoạt động sản xuất và luồng dữ liệu phức tạp trong nhà máy. Đây là công cụ ưu việt để tối ưu khả năng vận hành của nhà máy và giải phóng các đơn vị sản xuất khỏi các quy trình thủ công, cải thiện năng suất và theo dõi sản xuất theo thời gian thực.
Để thực hiện nhiệm vụ giám sát dây chuyền sản xuất, phần mềm MES sẽ kết nối với các thiết bị IoT hoặc các thiết bị SCADA để có thể thu thập các dữ liệu trên mỗi dây chuyền. Các thông tin thu nhận được bao gồm thời gian hoạt động của máy chạy, máy dừng, sản lượng sản xuất…
Bên cạnh đó, MES tạo ra một chu trình quản lý chặt chẽ và khép kín bắt đầu từ Sản phẩm đầu ra (OQC) tới Nguyên vật liệu đầu vào (IQC) và diễn ra cả trong quá trình sản xuất (PQC) trên chính mỗi chuyền sản xuất. Điều này giúp cải tiến tiêu chuẩn của máy móc, hoạt động sản xuất, nhà máy, từ đó cải thiện chất lượng tổng thể.
Ngoài ra, hệ thống MES đảm nhiệm vai trò thu thập dữ liệu về quá trình sản xuất, hiệu suất, truy xuất nguồn gốc, quản lý nguyên liệu và công việc đang tiến hành và các hoạt động khác của nhà máy. Những dữ liệu này cho phép những người ra quyết định hiểu tình trạng sản xuất hiện tại và tối ưu hóa quy trình sản xuất tốt hơn.
Để phát triển và dẫn đầu trong thị trường đầy cạnh tranh như hiện nay, doanh nghiệp sản xuất cần ứng dụng phần mềm quản lý sản xuất MES trong quản lý sản xuất để hỗ trợ giải quyết các vấn đề về Q-C-D (Quality – Chất lượng, Cost – Chi phí, Delivery – Tiến độ giao hàng).